Sa sút trí tuệ là thuật ngữ mô tả cho một loạt các tình trạng ảnh hưởng đến não bộ. Các triệu chứng thường bao gồm tình trạng hay quên, đãng trí, khó phán đoán.. và diễn ra nhiều nhất ở người cao tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 5 đến 8% người từ 60 tuổi trở lên sẽ mắc chứng sa sút trí tuệ. Mặc dù không có cách nào có thể đảm bảo sẽ ngăn ngừa nó, nhưng nếu phát hiện và điều trị sớm có thể làm chậm sự tiến triển của căn bệnh thần kinh này. Trong bài viết dưới đây, cùng tìm hiểu rõ hơn về bệnh sa sút trí tuệ, các triệu chứng của nó, khi nào nên đi khám bác sĩ và cần trang bị những gì cho người thân lớn tuổi hay chính bạn nhé!
Bạn đã biết gì về sa sút trí tuệ?
Bệnh sa sút trí tuệ miêu tả một tập hợp các triệu chứng do những sự rối loạn ảnh hưởng đến não bộ gây ra. Đây không phải là một chứng bệnh cụ thể. Chứng bệnh này ảnh hưởng đến sự suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện những công việc hàng ngày. Chức năng của não bộ bị ảnh hưởng đủ để gây cản trở đến cuộc sống xã hội hay làm việc bình thường của người bệnh.
Dấu hiệu phân biệt của chứng rối loạn thần kinh này là việc mất khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Ví dụ như là hậu quả của tình trạng suy giảm khả năng nhận thức. Nó đề cập đến một nhóm các bệnh thoái hóa thần kinh đặc trưng bởi sự suy giảm nhận thức nghiêm trọng. Sự suy giảm này liên quan đến khó khăn với trí nhớ, khả năng tập trung, giao tiếp và đưa ra quyết định. Giống như nhiều bệnh lý người già, nó thường tiến triển trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.
Dấu hiệu đầu tiên của chứng sa sút trí tuệ
Trong giai đoạn đầu của chứng bệnh này thường gặp các triệu chứng có thể nhẹ và dễ bị bỏ qua. Nói chung, một số triệu chứng có thể xảy ra sớm bao gồm:
– Khó khăn về trí nhớ: Một người có thể gặp khó khăn với trí nhớ ngắn hạn, ví dụ phải “vò đầu bứt tai” để nhớ bữa sáng mới đây mình ăn gì.
– Khó tập trung: Ví dụ người này không thể theo dõi từ đầu tới cuối một cuộc trò chuyện.
– Mất phương hướng: Điều này có thể dẫn đến nhầm lẫn về thời gian và địa điểm. Ví dụ, một người có thể quên nơi họ đang định đến và không biết đi đường nào để trở về nhà.
– Các vấn đề về giao tiếp: Người mắc chứng sa sút trí tuệ có thể quên những từ thông dụng hoặc dùng từ không phù hợp với ngữ cảnh. Điều này có thể khiến những điều họ nói và viết trở nên khó hiểu.
– Rắc rối về nhận thức không gian: Gặp khó khăn trong việc đánh giá khoảng cách và không gian, khiến người bệnh hay bị va chạm vào mọi thứ xung quanh.
– Khó khăn khi thực hiện các công việc thường ngày: Ví dụ, không thể nhớ thứ tự mặc một bộ quần áo hoặc các bước liên quan đến việc nấu một bữa ăn quen thuộc.
Ở giai đoạn giữa, người bệnh có biểu hiện gì?
Khi chứng sa sút trí tuệ tiến triển, các triệu chứng trở nên dễ nhận thấy hơn. Người bệnh có thể: Trở nên đãng trí hơn; Bị lạc ngay trong nhà của mình; Ngày càng gặp khó khăn trong giao tiếp với người khác; cần giúp đỡ nhiều hơn trong sinh hoạt và chăm sóc bản thân; Thể hiện những thay đổi trong hành vi, chẳng hạn như liên tục hỏi những câu hỏi giống nhau.
Về cuối, người bị sa sút trí tuệ sẽ như thế nào?
Đến giai đoạn này, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
– Các vấn đề về trí nhớ: Có thể không nhận ra nhà của mình hoặc các thành viên thân thiết trong gia đình.
– Các vấn đề về giao tiếp: Có thể mất khả năng nói.
– Thay đổi về hành vi và tâm lý: thể trở nên kích động, trầm cảm hoặc lo lắng, và có thể bị hoang tưởng hoặc đi lòng vòng mà không có mục đích rõ ràng.
– Són tiểu: Điều này có thể xảy ra trong giai đoạn sau của chứng sa sút trí tuệ.
– Cảm giác thèm ăn và giảm cân: Người bệnh có thể gặp khó khăn khi ăn và nuốt. Họ cũng có thể chán ăn, dẫn đến giảm cân.
Những loại sa sút trí tuệ thường gặp
Có nhiều loại sa sút trí tuệ tiến triển khác nhau và mỗi loại có các triệu chứng đặc trưng.
Bệnh Alzheimer: có vấn đề về trí nhớ; bối rối trong môi trường xa lạ; câu hỏi lặp đi lặp lại; gặp khó khăn khi tìm đúng từ; trở nên lo lắng và thu mình lại; gặp rắc rối với con số và tiền bạc; gặp khó khăn với các công việc hàng ngày.
Sa sút trí tuệ não mạch: Thay đổi tâm trạng; khó suy nghĩ, khó chú ý; gặp những thách thức về chuyển động, chẳng hạn như cảm thấy khó đi bộ; có các triệu chứng tương tự như của đột quỵ, chẳng hạn như yếu cơ và tê liệt tạm thời;
Sa sút trí tuệ thể Lewy: rối loạn giấc ngủ; liên tục ngất xỉu và ngã; chuyển động thể chất chậm lại; ảo giác thị giác; mức độ nhầm lẫn dao động; có giai đoạn buồn ngủ hoặc tỉnh táo rõ rệt.
Sa sút trí tuệ tiền đình thái dương: Thay đổi tính cách, chẳng hạn như trở nên ít nhạy cảm hơn với cảm xúc của người khác. Thiếu ý thức xã hội hoặc có hành vi không phù hợp trong giao tiếp. Khó khăn với ngôn ngữ, chẳng hạn như không thể tìm thấy các từ thích hợp, ám ảnh hành vi.
Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh
Không có cách nào đảm bảo có thể ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, một số biện pháp sau đây có thể đem lại lợi ích nhất định Như tập thể dục thường xuyên. Có một chế độ ăn uống lành mạnh. Hạn chế căng thẳng tâm lý, stress. Luôn để trí óc hoạt động. Đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Điều trị các vấn đề sức khỏe. Quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch. Không hút thuốc lá. Sự kết hợp giữa thuốc và các hoạt động kích thích có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh. Tuy chưa có cách chữa trị chứng sa sút trí tuệ nhưng nếu được chẩn đoán sớm có thể giúp người mắc và gia đình có sự chuẩn bị cho tương lai.