Viêm khớp là dạng viêm mạn tính phổ biến thường gặp ở độ tuổi trung niên trở lên. Nó liên quan đến các vùng xương ở bộ phận cổ, lưng dưới, hông, các ngón tay và hay gặp nhất là thoái hóa khớp gối. Theo nghiên cứu, có khoảng 70 phần trăm những người trên 70 tuổi có bảng chụp X-quang về căn bệnh này. Tuy nhiên, chỉ có khoảng một nửa trong số những người này từng xuất hiện các triệu chứng báo trước. Nếu để bệnh phát triển thành mạn tính sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người cao tuổi. Điều đó dẫn tới những hệ luỵ như đi khập khểnh, tàn tật… ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hàng ngày của người lớn tuổi.
Bạn đã hiểu rõ về thoái hóa khớp gối?
Thoái hóa khớp gối là một thuật ngữ Y học. Chỉ tình trạng sụn khớp bị bào mòn, rách nứt, thậm chí là biến mất. Khi đó, các đầu xương sẽ chà sát lên nhau gây ra tình trạng đau nhức, cứng khớp. Đây là hệ quả của quá trình mất cân bằng tổng hợp và phân hủy của sụn và xương dưới sụn. Điều này dẫn đến sự thay đổi về hình thái. Thoái hóa khớp gối là bệnh lý xương khớp mãn tính. Tiến triển của bệnh thường rất chậm. Nhưng hậu quả để lại thì rất trầm trọng.
Cụ thể, nếu không phát hiện và có các biện pháp can thiệp kịp thời, thoái hóa khớp gối khiến người bệnh có thể gặp phải các biến chứng bệnh lý như teo cơ, bại liệt, tàn phế. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ, khoảng 13% phụ nữ và 10% nam giới ở độ tuổi trên 60 có dấu hiệu hoặc đang mắc bệnh thoái hóa khớp gối. Con số này ở Việt Nam rơi vào khoảng 9 triệu người. Dựa trên những con số thực tế trên, các chuyên gia đưa nhận định đây là bệnh lý xương khớp phổ biến hơn ở đối tượng người cao tuổi. 80% tổng số ca mắc bệnh là nữ giới.
Vì sao lại xuất hiện căn bệnh viêm khớp này?
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp được chia thành 2 loại:. Đó là thoái hóa khớp nguyên phát và thứ phát. Thoái hoá khớp nguyên phát là nguyên nhân chính. Nó xuất hiện muộn, thường ở người sau 60 tuổi. Có thể ở một hoặc nhiều khớp, tiến triển chậm. Ngoài ra, có thể có yếu tố di truyền, yếu tố nội tiết và chuyển hóa (mãn kinh, đái tháo đường…) có thể gia tăng tình trạng thoái hóa.
Thoái hóa khớp thứ phát là bệnh gặp ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân có thể do sau các chấn thương khiến trục khớp thay đổi (gãy xương khớp, can lệch…). Các bất thường trục khớp gối bẩm sinh: khớp gối quay ra ngoài. Khớp gối quay vào trong. Khớp gối quá duỗi hoặc sau các tổn thương viêm khác tại khớp gối. Các bệnh lý thường gặp như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, viêm mủ, bệnh gút, chảy máu trong khớp – bệnh Hemophilie..
Viêm khớp gối và các triệu chứng liên quan
Người bệnh thường có cảm giác đau nhức ở vùng khớp gối. Những cơn đau tăng dần lên mỗi khi hoạt động hoặc di chuyển. Nó khiến bệnh nhân phải tìm đủ mọi cách để giảm đau. Đặc biệt, cứng khớp buổi sáng là tình trạng khi ngủ dậy, bệnh nhân thấy các khớp của mình cứng, vận động khó. Họ phải tập luyện gấp duỗi một lúc khớp mới vận động dễ dàng hơn. Thời gian cứng khớp thường dưới 30 phút. Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân có thể thấy lạo xạo khớp khi cử động. Giai đoạn nặng có thể có biến dạng khớp. Hạn chế vận động hoặc mất vận động khớp.
Khi đến thăm khám, bác sĩ thường cho chụp Xquang xương khớp. Nhờ đó phát hiện các tổn thương thoái hóa khớp. Ví dụ như hẹp khe khớp, gai xương ở rìa, đặc xương dưới sụn… Ngoài ra, các bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm máu (huyết học, sinh hóa, miễn dịch) hoặc xét nghiệm dịch khớp. Chụp cộng hưởng từ khớp, siêu âm khớp để giúp khẳng định chẩn đoán hoặc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác của khớp. Ở giai đoạn nhẹ, thoái hóa khớp gối có thể điều trị nội khoa. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 3-4 sẽ buộc phải thay khớp gối do không thể đi lại hoặc đi lại rất đau đớn.
Thoái hóa khớp gối và mức độ nguy hiểm của nó
Tình trạng đau nhức kéo dài: Đau là triệu chứng đầu tiên và cũng là triệu chứng kéo dài xuyên suốt quá trình bị bệnh. Càng ngày, các cơn đau càng nhiều hơn, nhức nhối hơn, dai dẳng hơn. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, vận động và tâm lý người cao tuổi… Xuất hiện tình trạng biến dạng xương: Thoái hóa khớp gối kéo dài làm cho khớp và sụn bị xơ vữa, gối thường có hiện tượng sưng to, biến dạng, đau nhức.
Đi đứng khập khuyễn, khó khăn: Người bị thoái hóa khớp gối không thể đứng thẳng như bình thường, thậm chí đi có thể tập tễnh. Xương cơ teo dần theo thời gian: Các cơ từ gối trở xuống sẽ dần có cảm giác yếu hơn, người bệnh khi đi lại có cảm giác run chân, dần dần chân đứng không vững; cơ có hiện tượng bị teo, người bệnh rơi vào tình trạng liệt…
Cách tốt nhất để điều trị là gì?
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối. Trong đó có thể kể đến các phương pháp mà người bệnh có thể không cần dùng thuốc. Ví dụ như: giảm cân, vận động hợp lý, tập luyện phục hồi chức năng. Ngoài ra, người bệnh có thể được điều trị bằng các loại thuốc giảm đau, chống viêm; một số thuốc chống thoái hóa khớp có tác dụng chậm. Phương pháp điều trị bằng can thiệp ngoại khoa như: Điều trị nội soi khớp (rửa khớp, loại bỏ các thành phần ngoại lai trong khớp…). Phẫu thuật thay khớp gối trong những trường hợp nặng, điều trị nội khoa và nội soi khớp không hiệu quả.