Trong quá trình mang thai, mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Ngoài có chế độ ăn uống lành mạnh và khoa học, mẹ bầu hãy nên bổ sung thêm những loại vitamin cần thiết cho sức khỏe thai nhi. Có không ít bà mẹ khi mới mang thai lần đầu, thường hay băn khoăn không biết nên bổ sung loại vitamin nào và sử dụng vào thời điểm nào là hợp lý. Bài viết ngay sau đây sẽ mách bạn biết những loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho mẹ bầu trong thai kỳ.
Mang thai cần biết các loại vitamin và khoáng chất không thể thiếu trong thai kỳ
Axit folic
Nếu thiếu axit folic thì thai nhi có nguy cơ cao bị tật nứt đốt sống, khuyết tật ống thần kinh. Nhu cầu axit folic của người mẹ tăng gấp đôi bình thường (khoảng 400 mcg mỗi ngày).
Bạn có thể cung cấp axit folic cho cơ thể thông qua việc tăng cường sử dụng các loại rau lá xanh đậm (rau súp lơ xanh, mùng tơi, rau ngót, rau cải bó xôi…), trái cây (cam, chuối tiêu,…), ngũ cốc khô, gan…
I-ốt
Nhu cầu i ốt bình thường mỗi ngày là 150 mcg; khi có thai bạn cần thêm 25 mcg. Nếu không cung cấp đủ nhu cầu i ốt, thai nhi sẽ lấy i ốt từ cơ thể người mẹ. Khi thiếu i ốt sẽ ảnh hưởng trước hết đến người mẹ (nếu thiếu trầm trọng thì mẹ có thể bị bướu cổ). Sau đó là đến con (sinh ra có thể sẽ bị đần độn với thiểu năng tuyến giáp bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ, da và nét mặt thô, xương thiếu khoáng chất, cơ thể thấp còi…) Dùng muối có cho thêm i ốt và hải sản đều có thể giúp tránh được sự thiếu hụt khoáng chất này.
Vitamin A
Vitamin A giúp đẹp da, tốt cho thị giác. Nhu cầu vitamin A khi mang thai không cần gia tăng, chỉ cần giữ đủ như mức bình thường là khoảng 750mcg mỗi ngày. Mẹ có thể bổ sung đủ lượng vitamin A này qua các thực phẩm giàu vitamin A như sữa, bơ, các loại rau trái … Bạn cũng cần lưu ý không bổ sung thừa vitamin A. Vì có nguy cơ ngộ độc cho cả mẹ và bé (mẹ có thể bị nhức đầu, đau cổ, buồn nôn…; thai nhi có thể bị khuyết tật ở tai, tứ chi, rối loạn chức năng thận và hệ thần kinh)
Vitamin nhóm B
Mỗi ngày, người mẹ cần khoảng 1,5 mg vitamin B1 (thiamine); 1,6 mg vitamin B2 (riboflavin); 17 mg vitamin B3 (Niacin). Bạn có thể bổ sung các vitamin này qua các loại thực phẩm thịt, sữa, pho mát, các loại hạt, rau, hoa quả…
Nhu cầu vitamin B12 bình thường là 2 – 4 mcg, khi bạn có thai, cơ thể cần thêm khoảng 0,2 mcg mỗi ngày. Bạn có thẻ bổ sung nguồn vitamin B12 qua các thực phẩm từ động vật. Các mẹ ăn chay hay bị thiếu vitamin B12 đấy.
Vitamin E
Nhu cầu bình thường là 8 mg mỗi ngày. Khi mang thai, người mẹ cần tăng thêm khoảng 2 mg. Số lượng này đều có trong các loại thực phẩm như dầu thực vật olive, dầu bắp, các loại hạt, giá đỗ, vừng, hạt hướng dương…
Vitamin C
Loại vitamin này giúp thai nhi phát triển tốt xương và răng lợi tốt, tăng cường hấp thụ khoáng canxi và sắt. Nhu cầu vitamin C bình thường là 60 mg mỗi ngày. Khi mang thai, người mẹ cần thêm khoảng 10 mg. Chỉ cần uống một ly nước cam là có thể đáp ứng số lượng này.
Sắt
Sắt là khoáng cần thiết cho việc tạo hồng huyết cầu. Nhu cầu sắt lên cao nhất vào 3 tháng cuối của thai kỳK khi thai nhi cần sắt để dự trữ cho khoàng 6 tháng sau khi sinh. Nhu cầu bình thường là 15 mg, khi có thai người mẹ cần thêm 15 mg mỗi ngày. Sắt có nhiều trong thịt đỏ, rau spinach, đậu phụ, trái cây khô, các loại hạt, bánh và ngũ cốc khô…
Kẽm
Nhu cầu kẽm mỗi ngày bình thường là 15mg. Khi mang thai, người mẹ cần tăng thêm khoảng 3 mg. Kẽm rất cần cho tế bào tăng trưởng. Thiếu khoáng này, con sẽ nhẹ cân, hệ thần kinh kém phát triển.
Canxi và Phot pho
Nhu cầu bình thường mỗi ngày là 1000 mg canxi và 800 mg phosphor. Người mẹ khi mang thai cần thêm mỗi loại 400 mg. Nhu cầu canxi và phosphor đặc biệt quan trọng nhất vào ba tháng cuối của thai kỳ, vì thai nhi cần nhiều các khoáng này để tăng trưởng, tạo xương và răng. Trung bình chỉ trong một giờ thai nhi đã cần đến 13 mg canxi. Sữa là nguồn cung cấp canxi tốt nhất. Ngoài ra canxi còn có trong rau súp lơ xanh, cá mòi đóng hộp ăn cả xương.
Chế độ ăn và sinh hoạt khi mang thai mẹ bầu nên lưu ý
- Phụ nữ có thai không nên kiêng khem quá mức. Chế độ ăn cần đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng. Đặc biệt chú ý ăn nhiều rau của quả để bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể.
- Tránh các loại thực phẩm có tính kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, các gia vị cay nóng như ớt, tiêu, tỏi, dấm
- Nên chọn các loại thực phẩm tươi, sống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
- Nếu bị thai nghén nên chia nhỏ bữa ăn và rải đều trong ngày. Tránh các thực phẩm nặng mùi.
- Phụ nữ mang thai không được làm việc quá sức, chỉ nên làm nhẹ nhàng, vừa phải. Các tháng cuối của thai kỳ cần nghỉ ngơi để giúp con tăng cân và mẹ có sức cho quá trình chuyển dạ.
- Giữ tinh thần thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng.
- Giữ môi trường sống trong lành, thoáng mát, tránh xa khói bụi, thuốc lá.
- Đi khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế. Tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc-xin để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé.
Dinh dưỡng trong quá trình mang thai của người mẹ có vai trò rất quan trọng; là tiền đề để sinh ra các em bé khỏe mạnh và phát triển. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp cho các mẹ và những bạn ai sắp làm mẹ có hiểu biết đúng mức về chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.