Tìm hiểu chi tiết về ‘vương dược giải độc’ kim ngân hoa

Tìm hiểu chi tiết về ‘vương dược giải độc’ kim ngân hoa

Kim ngân hoa hay còn được gọi là nhị bảo hoa, là phần dược liệu đã được sơ chế từ cây kim ngân hay cây nhẫn đông. Trong y học cổ truyền, hoa kim ngân được ví như ‘vương dược’ giải độc. Vì đặc tính sinh trưởng và thu hái kỳ công của loại dược liệu quý này, nên mới có tên kim ngân – cái tên này thể hiện sự trân quý. Bạn biết gì về loại thảo dược này, tác dụng chữa bệnh thần kỳ của nó như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết bên dưới của chúng tôi nhé!

Tìm hiểu về kim ngân hoa

Tên khoa học là Lonicera joponica Thumb, họ cơm cháy (Caprifoliafeae). Tên gọi khác của kim ngân hoa: Nhẫn đông hoa, Kim ngân hoa lộ, Mật ngân hoa, Ngân hoa thán, Ngân hoa, Tế ngân hoa, Thổ ngân hoa, Tỉnh ngân hoa, Nhị hoa, Song hoa.

Tìm hiểu về kim ngân hoa

Mô tả chung

Kim ngân là loại dây leo bằng thân quấn. Thân non có lông màu nâu đỏ. Thường mọc thành bụi. Lá mọc đối, hình trứng và xanh tốt quanh năm. Hoa mọc kẽ lá màu trắng, sau ngả sang màu vàng. Quả hình cầu, màu đen.

Mô tả dược liệu

Nụ hoa hình ống hơi cong queo, dài 1 cm đến 5 cm, đầu to, đường kính khoảng 0,2 cm đến 0,5 cm. Mặt ngoài màu vàng đến nâu, phủ đầy lông ngắn. Phía dưới ống tràng có 5 lá đài nhỏ, màu lục. Bóp mạnh đầu nụ sẽ thấy 5 nhị và 1 vòi nhụy. Mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng. Hoa đã nở dài từ 2 cm đến 5 cm, tràng chia thành 2 môi cuộn ngược lại. Môi trên xẻ thành 4 thùy, môi dưới nguyên. Nhị và vòi nhụy thường thò ra ngoài tràng hoa.

Phân loại

Ngoài Kim Ngân (Lonicera japonica Thunb), người ta còn dùng lẫn: Kim ngân rừng (L.bournei Hemsl.); Kim ngân long (L.cambodiana pierre ex Danguy); Kim ngân lá mốc (L.hypoglauca Miq); Kim ngân hoa to (L.macrantha (D.Don) Spreng).

Vùng trồng, cách trồng

Kim ngân mọc hoang hay được trồng nhiều ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Ninh Bình, Hà Tây,… Thời điểm nhân giống kim ngân tốt nhất là vào mùa xuân hoặc mùa thu. Có thể trồng bằng hạt giống hoặc dùng phương pháp chiết cành, trồng bằng một đoạn thân bò dưới đất đều được.

Thu hoạch

Kim ngân hoa hái lúc mới chớm nở, màu còn trắng chưa chuyển vàng. Nên hái vào khoảng 9-10 giờ sáng (lúc này sương đã ráo), nhặt bỏ tạp chất, đem tãi mỏng phơi trong râm mát hoặc sấy nhẹ đến khô.

Bộ phận dùng làm thuốc: Hoa mới chớm nở, lá và dây ít dùng.

Thành phần hóa học

Hoa kim ngân chứa flavonoid, tinh dầu và một số thành phần khác:

– Nhóm Flavonoid: Luteolin, luteolin-7-glucoside.

– Tinh dầu: α-pinen, hex-1-en, hex-3-en-1-ol, cis và trans-2-methyl-2-vinyl-5-(α-hydroxy isopropyl)-tetrahydrofuran, geraniol, α-terpineol, alcol β-phenyl ethylic, carvacrol, eugenol, linalol, 2,6,6-trimethyl-2-vinyl-hydroxy tetra hydrydropyran.

Tác dụng chữa bệnh của dược liệu này

Hoa kim ngân có tác dụng “giải độc” được đề cập gần như thống nhất trong các sách y thư y học cổ truyền. Giải độc này được hiểu như là tác dụng kháng khuẩn của kim ngân vậy.

Tác dụng chữa bệnh của kim ngân hoa

Kháng khuẩn

Nhiều nghiên cứu dược lý đã xác nhận về tác dụng kháng khuẩn trên nhiều cơ chế. Tác dụng này được đánh giá là có phổ kháng khuẩn rộng hơn và tác động mạnh hơn so với các loại thảo dược khác. Nghiên cứu dược tính hoa kim ngân có khả năng kháng khuẩn với E. coli và S. aureus (vi khuẩn đường ruột và khuẩn ở đường hô hấp thường gặp).

Ngoài ra, y học còn ghi nhận tác dụng kháng nấm của kim ngân. Một số loại nấm bị ức chế bởi kim ngân như Penicillium citrinum, Aspergillus niger, Cryptococcus neoformans, Fusarium moniliforme, Candida albicans.

Các nghiên cứu cho thấy kim ngân không chỉ ức chế mầm bệnh thông thường. Mặt khác, những hoạt tính dược lý này còn có hiệu quả đáng kể đối với một số khuẩn kháng thuốc. Những kết quả này, cung cấp cho các nhà khoa học những dữ liệu quý giá trong điều trị chống mầm bệnh kháng thuốc.

Kháng virus

Thành phần kim ngân được chiết xuất ghi nhận có axit chlorogenic, flavonoid, acid caffeoylquinic, và iridoid glycoside. Những hoạt chất này có thể ức chế Herpes simplex trong viêm giác mạc, virus trong viêm phổi, cúm.

Chống viêm

Kim ngân có thể ức chế sản xuất histamine và giảm đáng kể prostaglandin E 2 (hoạt chất được giải phóng ra trong quá trình viêm). Hoạt tính chống viêm giảm đáng kể theo thời gian ra hoa.

Chống oxy hóa

Kim ngân có tác dụng chống oxy hóa đối với dầu hạt cải, dầu đậu phộng, axit linoleic và mỡ heo. Bí mật của tác dụng này bằng con đường ức chế phản ứng chuỗi gốc tự do trong dầu.

Tăng hệ miễn dịch

Thảo dược này “hiệu triệu” được số lượng lớn đại thực bào và tế bào lympho. Do đó, kim ngân hoa tăng hoạt động của miễn dịch tế bào và cả miễn dịch thể dịch.

Nhiều nghiên cứu ghi nhận một số hoạt chất trong hoa kim ngân có thể hạ sốt và tạo ra nhiều mức độ bảo vệ gan khác nhau. Chiết xuất hoa kim ngân còn làm giảm nồng độ triglyceride trong máu.

Điều trị bằng kim ngân hoa

Điều trị bằng kim ngân hoa như thế nào

Kim ngân được ghi nhận sử dụng có hiệu quả trong đơn thuốc y học cổ truyền phòng ngừa và điều trị SARS tại một số quốc gia. Ngày nay, kim ngân được bào chế dưới nhiều hình thức tiện dụng như dạng trà túi lọc. Có thể dễ dàng pha chế như thức uống hằng ngày để phòng ngừa và điều trị viêm nhiễm. Cảm cúm có sốt, những vết loét, đau họng, tiêu chảy nóng rát là những bệnh có thể điều trị khi hợp phương bằng kim ngân.

Ngoài ra, hoa kim ngân còn được chỉ định trong tình trạng đầy hơi, kiết lỵ giai đoạn đầu. Trị rôm sẩy trong dân gian bằng cách nấu nước kim ngân hoa để tắm.

Sử dụng kim ngân hoa cần lưu ý gì?

Kim ngân có bản chất lạnh và không thích hợp để uống lâu dài. Nó chỉ thích hợp để uống tạm thời trong mùa hè nóng. Đặc biệt, không nên uống trong lúc hành kinh. Uống quá nhiều sẽ gây phản tác dụng.

Trà kim ngân có tác dụng chống viêm và hạ sốt. Không nên uống thường xuyên. Điều này sẽ khiến cơ thể yếu đi và gây mất cân bằng giữa âm và dương. Kim ngân có tính chất lạnh sẽ ngăn cản chức năng của đởm và dạ dày và không có lợi cho tiêu hóa. Uống một lượng lớn trà kim ngân trong một thời gian dài sẽ gây ra những bất lợi nhất định cho cơ thể, đặc biệt là đởm và dạ dày. Vì vậy, cho dù sử dụng trà kim ngân như một thức uống thông thường hoặc sử dụng hoa kim ngân để chữa bệnh, không được uống lâu.

Như vậy, vương dược Kim ngân hoa đã được sáng tỏ dưới góc nhìn khoa học. Được sự đồng thuận cao trong y thư kinh điển. Kim ngân hoa lan tỏa trong đời sống hằng ngày nhưng vẫn giữ được vị trí đầu bảng trong vị thuốc giải độc. Kim ngân hoa thường được dùng trong bệnh cảm mạo có sốt, viêm loét, tiêu chảy, lỵ. Cần lưu ý khi sử dụng kim ngân hoa trong thực dưỡng hằng ngày. Tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *